Chuyên gia kinh tế: Mục tiêu lạm phát năm 2022 khó kìm dưới mức 4%

Xu hướng tăng giá trên các loại hàng hóa cơ bản cộng thêm giá năng lượng leo thang kỷ lục sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, từ đó gây sức ép lớn đến chỉ số lạm phát trong năm 2022.

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022, tuy nhiên kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó đạt được.”

Nội dụng trên được phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Hội thảo Khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, ngày 25/4.

Áp lực lạm phát đến từ nhiều phía

Ông Thành cho hay việc thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng giá các loại hàng hóa cơ bản cộng thêm cuộc chiến Nga-Ukraine khiến giá năng lượng leo thang ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến chỉ số lạm phát trong năm 2022.

Thời gian qua, lạm phát toàn cầu đã gia tăng khá mạnh đồng thời tác động ảnh hưởng gây ra áp lực lạm phát trong nước. Trên thị trường tiền tệ, tỷ lệ cung tiền (M2)/GDP và tín dụng/GDP đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn ở thấp so với mức sản lượng tiềm năng. Những yếu tố này cũng đang góp phân gây sức ép gia tăng rủi ro lạm phát.

[Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn]

Thêm vào đó, nhóm phân tích báo cáo đánh giá diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới cũng như trong nước đã tăng cao trong quý 1 đặt ra những thách thức rất lớn đến kinh tế.

Theo ông Thành, giá xăng dầu tăng 45% sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,6% và chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tăng khoảng 2%. Và, khi thuế môi trường thực hiện giảm (từ ngày1/4) giá xăng dầu tăng khoảng 41% và ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,2%."

Tăng trưởng đạt kỳ vọng

Theo báo cáo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát cộng thêm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại, trong đó đóng góp lớn đến khu vực chế biến-chế tạo và xuất khẩu.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục ngay do tác động của đại dịch thẩm thấu trước đó, thì khu vực đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của năm. Mặt khác, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ mang lại triển vọng phục hồi nhanh trong khu vực dịch vụ và đóng góp vai trò vào tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở đó, báo cáo khuyến nghị Chính phủ cần quán triệt 3 quan điểm cơ bản khi đưa ra các chính sách. Thứ nhất, các chính sách cần tập trung hướng đến hồi phục và phát triển nền kinh tế bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19.”

Thứ hai là đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế, theo đó sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Song, chính sách nới lỏng cần thực hiện một cách thận trọng, để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng, hiện dư địa chính sách đang dần thu hẹp, do đó các chính sách của Chính phủ cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho khu vực này phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, báo cáo cho rằng cần hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn, như Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.

Việc mở rộng hỗ trợ tài khóa, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, trong đó tập trung vào hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn